Năng lực cạnh tranh của hàng dệt may

Dệt may là một ngành quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bên cạnh thế mạnh về kim ngạch xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động thì ngành Dệt may Việt Nam còn bộc lộ những mặt yếu đó là phải nhập khẩu hầu hết nguyên phụ liệu như bông, xơ, thuốc nhuộm và máy móc thiết bị phụ tùng.v.v, chưa có các thương hiệu mạnh, thiết kế mẫu mã còn yếu kém, chưa có tính thương mại hầu hết là sử dụng mẫu khách hàng gửi đến, khả năng cạnh tranh thấp, theo báo cáo của Vinatex thì tỷ lệ hàng FOB còn ít (chỉ chiếm khoảng 31%), đội ngũ quản lý điều hành còn thiếu và yếu ở những khâu then chốt, nhất là lĩnh vực nhuộm hoàn tất trong khi thuê chuyên gia nước ngoài là rất khó khăn.

Trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tồn tại một số đơn vị gặp khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nên kết quả thực hiện tăng trưởng trong năm 2006 không cao so với cùng kỳ năm 2005. Công tác thị trường nội bộ, nội địa hóa còn yếu. Vải của các công ty dệt có tiến bộ về chất lượng nhưng giá cả còn cao so với vải nhập khẩu. Trong khi đó các đơn vị may thường do khách hàng chỉ định nguồn cung cấp nguyên phụ liệu .

Chính những yếu tố trên làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường. Theo đánh giá của các nhà nhập khẩu Mỹ, khả năng cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Mỹ đánh giá cao khả năng cạnh tranh của hàng may mặc Trung Quốc. Với ưu thế toàn diện về máy móc, nguyên phụ liệu, lương công nhân thấp. Nhưng tình hình hiện nay, lợi thế về nhân công rẻ không còn tồn tại mãi mãi. Do có sự thay thế về công nghệ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả ngày càng cao.

Tại Việt Nam thì khả năng cạnh tranh của các Doanh nghiệp Dệt may còn hạn chế. Ở thị trường trong nước, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh là do thị trường nội địa cũng đang gặp khó khăn như không có giải pháp cung ứng nguyên phụ liệu tập trung; trong sản xuất và tiêu thụ thường phải qua trung gian nên bị đội giá và không cạnh tranh được với hàng nhập lậu.

Tại thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu, ở thế bị động về thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, mầu sắc, giá cả, thậm chí phải nhập khẩu từ nhà cung cấp do khách hàng chỉ định nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh.

Share This
COMMENTS
Comments are closed