Đăng ký thương hiệu

 

Cuối cùng, bên cạnh việc chú trọng tới xây dựng và quảng bá thương hiệu, các DN đã bước đầu quan tâm tới việc đăng kí bảo hộ cho thương hiệu của mình. Theo tin công bố trong hội thảo “Chiến lược nhãn hiệu nổi tiếng và thương hiệu” diễn ra vào ngày 10/10/2007, tại Hà Nội, do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản tổ chức, ở Việt Nam, số đơn đăng ký nhãn hiệu nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2007, dự kiến Cục nhận được khoảng 30.000 đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó số đơn của người Việt Nam chiếm trên 60%. Trong số này, không ít nhãn hiệu gây dựng được uy tín với người tiêu dùng. Để bảo vệ cho những sản phẩm này, cách đây nhiều năm, Cục Sở hữu trí tuệ đã áp dụng các nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng để giải quyết thành công một số vụ việc điển hình như: từ chối cấp đăng ký nhãn hiệu cho một công ty của Australia nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu “Mc Donald”, KFC, Pizza Hut cho dịch vụ cung cấp thức ăn nhanh với lý do trùng với nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ; từ chối cấp đăng ký nhãn hiệu cho một công ty của Nhật Bản xin đăng ký nhãn hiệu Toyota cho sản phẩm máy công cụ cũng với lí do tương tự. Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, từ đó các doanh nghiệp biết được lợi ích và phương thức xây dựng nhãn hiệu của mình trở nên nổi tiếng cũng như cách bảo vệ chúng và ngăn chặn tình trạng vi phạm đến chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Rút kinh nghiệm từ một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị xâm phạm quyền SHCN ở nước ngoài như trường hợp cà phê Trung Nguyên, các DN cũng quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường nước ngoài mà mình có hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại một thực tế là có đến hơn 70% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta chưa đăng ký bảo hộ Logo, nhãn hiệu hàng hoá của mình tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong số này, không kể những doanh nghiệp chưa biết đến Luật Sở hữu trí tuệ thì hầu hết các doanh nghiệp còn lại là không quan tâm tới việc bảo hộ thương hiệu của mình, một số thì e ngại đối với các thủ tục đăng ký. Đối với những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá thì cũng chỉ lưu giữ văn bằng này như một biện pháp phòng thủ từ xa đối với các vi phạm mà không có những hành động tiếp theo nhằm phát triển thương hiệu của mình.

Share This
COMMENTS
Comments are closed